Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Thời u tối của sáng tạo kiến trúc?

Nhà lý luận kiến trúc hiện đại Siegfried Giedion nhận xét rằng: “Không một thế kỉ nào ở phương Tây lại có hoạt động xây dựng sôi nổi như thế kỉ XIX, nhưng cũng không một thế kỉ nào sản sinh ra số lượng kiến trúc sư – nhà sáng tạo ít ỏi như vậy. Tình trạng ngược đời ấy không thể quy cho là thiếu tài năng mà trước hết là xã hội đã giết dần mòn cái xung lượng sáng tạo bằng cách truyền nhiều liều thuốc độc của các thị hiếu đang thống trị lúc bấy giờ”.

thoi-u-toi-cua-sang-tao-kien-truc

Tháp Eiffel đang xây dựng

Gia đình Bonickhausen gốc ở vùng sông Rhin, Đức đã đến lâp nghiêp tại Pháp từ bốn đời nay. Năm 1881 Gustave Bonickhausen, kỹ sư nổi tiếng thế giới về xây dựng những chiếc cầu táo bạo, người con của gia đình quyết định chính thức đổi tên là Eiffel, lấy tên của thị trấn quê hương Eifel nhưng thay đổi một chút cho dễ đọc đối với người dân địa phương. Ông được đào tạo rất chuyên nghiệp tại Đại học Bách khoa và Đại học Trung ương. Tên tuổi của ông gắn với các công trình lớn bằng thép, nhất là những cây cầu ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 26 tuổi, ông làm chiếc cầu qua sông Gironde dài 500m, lần đầu tiên sử dụng khí nén để đóng cọc xuống đất rất cứng và sâu 25m. Năm 1876, ông xây dựng kiệt tác trên sông Douro ở Bồ Đào Nha có khẩu độ rộng 150m hoàn toàn bằng thép cao 60m trên mặt nước mà không dùng một dàn giáo nào.

thoi-u-toi-cua-sang-tao-kien-truc

Các giai đoạn xây dựng Tháp Eiffel

Nhà của Eiffel ở ngoại ô Paris, vùng Levallois – Perret. Ở đây, năm 1868 ông lập xưởng thiết kế, trong đó có hai kỹ sư kết cấu thép trẻ tuổi rất giỏi là Émile Nouguier và Maurice Koechlin. Họ nghĩ rằng Triển lãm quốc tế ở Paris sắp tới vào năm 1889 để kỷ niệm 100 năm cách mạng tư sản Pháp 1789, là một dịp hiếm có để trưng bày trước công chúng những sáng tạo cách mạng trong kết cấu do họ làm dưới sự hướng dẫn của người kỹ sư nổi tiếng Gustave Eiffel. Họ đã làm một phương án nhưng Eiffel cho là xấu, không thanh nhã. Nhưng khi thành phố Paris yêu cầu ông tham gia thi làm một công trình khá lớn để kỉ niệm 100 năm cách mạng thì ông mua lại phương án của hai kỹ sư của ông, rồi giao cho họ chữa theo ý ông. Địch thủ lớn nhất của Eiffel lúc ấy là kiến trúc sư Bourdais. Ông này đưa ra phương án một tháp cũng cao 300m bằng khối xây gọi là “cột mặt trời”, trên có một tượng cầm đèn pha mạnh chiếu sáng Paris vào ban đêm.

thoi-u-toi-cua-sang-tao-kien-truc

Phương án của Eiffel được trúng giải và ông còn gần 3 năm để hoàn thành việc thiết kế và xây dựng. Lúc ấy là vào năm 1884, ông được trợ cấp 15 triệu francs và được quyền khai thác công trình trong 20 năm.

Là một chuyên gia giỏi về cầu kim loại, lại thêm óc thẩm mĩ tinh tế, ông quyết định cấu tạo bốn chân tháp theo kiểu chân cầu, hình dáng chung của tháp là phù hợp với sơ đồ chịu lực gió ngang. Ông nói: “Nguyên tắc đầu tiên của thẩm mỹ kiến trúc đòi hỏi các đường nét chủ đạo của một công trình phải hoàn toàn phù hợp với mục đích của nó. Tôi phải tính đến những quy luật nào đây cho cái tháp? Quy luật của sự chống đỡ với gió. Vậy thì tôi xin tuyên bố rằng các đường cong của bốn chân tháp như các tính toán đã vạch ra sẽ tạo nên một ấn tượng lớn lao về sức mạnh và vẻ đẹp vì chúng sẽ tạo nên cái nhìn cảm xúc, sự táo bạo của quan niệm tổng thể, cũng bằng cách đó ngay cả vô số các không gian trống trong các cấu kiện cũng làm nổi bật lên một cách mạnh mẽ sự lưu ý luôn luôn không để phơi bày ra mưa gió những mặt phẳng nguy hiểm cho sự ổn định của công trình”.

thoi-u-toi-cua-sang-tao-kien-truc

Những cơn sóng gió

Chính Eiffel cũng rất e ngại khi nhận hợp đồng xây dựng ngọn tháp này. Là một chuyên gia giỏi về kỹ thuật kết cấu kim loại, đã từng xây dựng những cầu lớn, những mái nhà đồ sộ trong và ngoài nước, ông không sợ phần kỹ thuật mà ông sợ sự va chạm với thị hiếu đương thời, tức là với dư luận xã hội.

Nhà lý luận kiến trúc hiện đại Siegfried Giedion nhận xét rằng: “Không một thế kỉ nào ở phương Tây lại có hoạt động xây dựng sôi nổi như thế kỉ XIX, nhưng cũng không một thế kỉ nào sản sinh ra số lượng kiến trúc sư – nhà sáng tạo ít ỏi như vậy. Tình trạng ngược đời ấy không thể quy cho là thiếu tài năng mà trước hết là xã hội đã giết dần mòn cái xung lượng sáng tạo bằng cách truyền liều thuốc độc của các thị hiếu đang thống trị lúc bấy giờ”. Nhiều kiến trúc sư tài năng cuối cùng cũng phải rút về dạy học. Nhưng các kỹ sư thì nấp sau nền công nghiệp phát triển và được quyền lực khoa học che chở thì vẫn cứ phát triển, họ không buộc phải quan tâm đến thị hiếu đương thời. Trong trường hợp này, phần kỹ thuật của ngọn tháp sẽ được đảm bảo do tiến bộ kỹ thuật, nhưng về thẩm mỹ thì đây không phải là một cái cầu mà là một Công trình kiến trúc trần trụi giữa kinh thành Paris hoa lệ.

Từ đó cho đến nay, Tháp Eiffel vẫn được biết đến là hình ảnh của thủ đô Paris nói riêng và nước Pháp nói chung. Đây là biểu tượng danh tiếng nhất và đáng tự hào nhất của người dân nước Pháp. Khách du lịch đến Pháp đều muốn tận mắt chiêm ngưỡng ngọn tháp cao hơn 300m này. Những giá trị mà nó mang lại đã và sẽ được lưu giữ đến tận mai sau.

Theo Kienviet.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến