Đầu thời Pháp thuộc phố Hàng Khay và phố Tràng Tiền gọi chung là phố Thợ Khảm (rue des Incrusteurs). Năm 1886 đổi lại thành phố Paul Bert (rue Paul Bert). Sau Cách mạng hai phố đã được tách riêng và có tên gọi như ngày nay.
Phố Hàng Khay ngày nay thời Pháp thuộc là Rue Paul Bert, đoạn phía tây và đầu phố Tràng Thi (Borgnis-Desbordes), phố là đất hai thôn Thị Vật và Vũ Thạch cũ, dài khoảng một trăm sáu mươi mét, cuối thời Tự Đức nơi đây nửa phố nửa làng; đường đi thì hẹp và lầm lội. Nhà tranh liên tiếp liền nhau, nhà bên phía bắc đường cái ra đến mép hồ; khi làm con đường quanh hồ thì nhà bên phía đó bị khai quang hết nên Hàng Khay chỉ có nhà ởmột bên đường, bên phía nam dãy số lẻ.
Phố Hàng Khay thời Pháp thuộc là đoạn nối tiếp của phố Paul Bert, được mở mang xây dựng đồng thời với Tràng Tiền, (thí dụ số nhà 3 Hàng Khay, ba tầng, còn ghi năm làm là 1886; số 37 xây năm 1906).Tuy nhiên Hàng Khay không hẳn thuần là phố nhà ở và cửa hàng của người Tây, vì ở đây xen lẫn nhiều cửa hàng và nhà ở của ngưòi Việt Nam, phần đông là người làng sở tại cũ giữ được nhà đất của cha ông để lại.
Khoảng những năm 80 - 90 khi người Pháp mới đến, phố Hàng Khay nổi tiếng có Bá Kim - Nguyễn Ngọc Kim - xuất thân là chánh tổng Đông Thọ, y biết lợi dụng thời thế để làm giàu, có một dãy nhà ở Hàng Khay cho thuê mở cửa hàng và dinh cơ riêng trong làng Vũ Thạch. Hàng Khay cũng như Tràng Tiền và Tràng Thi đều trở thành con đường giao thông quan trọng sau khi người Pháp chiếm hẳn Hà Nội và nhất là sau khi con đường vòng quanh Bờ Hồ đã được mở rộng. Khu phố được quy hoạch thành một khu vực buôn bán chính của người Tây mở rộng xuống quá phía nam, những phố đó có nhiều cửa hiệu Tây, buôn bán đồ Tây phục vụ sinh hoạt cho những gia đình người nước ngoài.
Những cửa hàng của người Pháp ở Hàng Khay có nhà Chassagne - bào chế và bán thuốc Tây, số cũ 59 Paul Bert - số mới 1 Hàng Khay, hiệu Jubin - bán kính đeo, số cũ 63 - số mới 5, nay là hiệu ảnh, hiệu thịt bò Loisy, hiệu bánh mỳ Rochat, hãng Descours - Cabaud ở góc đường mà nay là khách sạn Bờ Hồ.
Người Việt mở cửa hàng ở Hàng Khay ngày một nhiều, nhất là những năm 35 - 36 trở đi. Cửa hàng bán đồ thêu đăng ten có vài nhà (Đào Huống Mai - Hoa Ký - số 17). Nhà Trần Xuân Tân bán sơ mi, cravat, son phấn, nước hoa ... Nhà Nguyễn Văn Qúy ở số 3 là cửa hàng bách hóa (Ông Qúy là nhân viên bán hàng cũ nhà Godard).Hiệu Chấn Long ở Hàng Bồ dọn đến bán đồ da, giày các kiểu. Có cả một Mỹ viện của cô Jacqueline Tạ Quang Cát bán hàng trang điểm kem bôi da, nước hoa, tự chế ra hai loại phấn và nước bôi da (poudre Rachel, collyre de Salomé), các bà các cô đến mua, nhà hàng tùy màu da, sở thích sẽ hướng dẫn cách dùng. Âu đó cũng là một thứ quảng cáo để cạnh tranh với người nước ngoài chỉ có hàng đóng hộp sẵn. Cũng thời kỳ sau 1935, Hàng Khay có mấy mấy cửa hiệu của Ấn kiều xuất hiện chuyên bán đồ vải sợi Bom Bay để may áo dài phụ nữ.
Hàng Khay là một con phố ngắn dài khoảng hơn 100m. Khi quân Pháp bắt đầu chiếm Hà Nội, trên rẻo đất này mọc những ngôi nhà mới, hai tầng, thậm chí ba tầng. Các cửa hàng của ngưòi Việt xen lẫn của người Pháp.
Phố Hàng Khay năm 1900 . Phố chỉ có dẫy nhà bên số lẻ, phía đối diện là đường vòng quanh hồ Gươm. Ảnh chụp thời kì khu vực Hồ Gươm mới được quy hoạch: Hai bên hè phố, xen giữa những hàng cây mới trồng có các cột đèn chiếu sáng. Ngôi nhà đầu tiên mép trái ảnh là tiệm thuốc Tây Chassagne, tiếp theo là cửa hàng của Schneider và Meyer
Toàn cảnh phố nhìn từ phía Tràng Tiền.
Đại lộ Đồng Khánh (ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay - Hàng Bài ngày nay)
Thời Pháp thuộc phố Hàng Khay và phố Tràng Tiền gọi chung là phố Thợ Khảm (rue des Incrusteurs).
Hàng khảm ở đây có tiếng từ thế kỷ thứ XIII, trong đó phải kể đến các loại các loại khay, cơi trầu...
Phố Hàng Khay nhìn từ ngã tư Tràng Thi - Bà Triệu. Ngôi nhà góc phố ngày nay là Trung tâm thương mại và dịch vụ du lịch (CTSC) số 1 Bà Triệu.
Nằm trên trục đường dẫn từ thành Hà Nội tới khu nhượng địa, Paul Bert là con phố đắt giá nhất dưới thời Pháp thuộc. Trên phố tập trung đủ các loại hình dịch vụ từ nhà hát, rạp chiếu bóng, khách sạn, hiệu thuốc, cửa hàng bách hóa, hiệu sách, nhà in, nhà xuất bản, ngân hàng . .. Đây là con phố có diện mạo thay đổi nhiều nhất.
PHẦN I: NHÀ GODARD VÀ TAVERNE ROYALE
Loại bưu ảnh nhiều hình thời kì tiên phong phát hành vào những năm đầu tiên của thế kỉ XX. So với các ảnh khác trong entry, h ình ảnh ngã tư Paul Bert (Tràng Tiền) - Francis Garnier (Hàng Bài) này có thể coi là b ức ảnh sớm nhất.
Đối diện bên kia đường là tòa nhà hai tầng đang hoàn thiện - nhà Lacaze
Cận cảnh. Đường phố đang thi công, cây xanh ngang tầm cửa sổ, lô đất trống trên con phố đắt giá nhất thời bấy giờ, cây cột đèn giữa ngã tư... tất cả các chi tiết cho khẳng định cửa hàng bách hóa trong ảnh là hình ảnh thời kì đầu của nhà Godard.
Nhận thấy cơ hội làm ăn, Liên hiệp Thương mại Đông Dương và châu Phi (viết tắt là LUCIA) đã bỏ tiền mua lại đất của chủ trước ở Tràng Tiền để xây trung tâm thương mại Godard vào năm 1901. Người dân Hà Nội quen gọi là nhà Godard.
Ngay sau khi chiếm được hoàn toàn Hà Nội năm 1883, quân Cờ đen cũng không quấy nhiễu nữa, Công sứ Hà Nội là Bonnal đã bắt đầu nghĩ đến quy hoạch khu vực hồ Hoàn Kiếm. Năm 1884, kiến trúc sư Ernest Hébrard được giao thực hiện công việc này. Hébrard đã quy hoạch nhiều thành phố thuộc địa của Pháp. Bonnal ủng hộ triệt để Hébrard và ngầm ra lệnh cho lính ban đêm phóng hỏa đốt hết nhà lá ở Cầu Gỗ, Hàng Bè. Lửa cháy mấy ngày làm tiêu tan hàng nghìn ngôi nhà.
Trước phản ứng dữ dội của người dân và cả tờ Tương lai Bắc Kỳ (một tờ báo bằng tiếng Pháp) nên Bonnal không dám cho thực hiện hành vi phá hoại tài sản của dân nữa. Ngày 26.12.1886, Bonnal ra lệnh trong một năm phải phá bỏ hoàn toàn nhà lá và thay vào đó là nhà xây ở phố Hàng Thêu (Hàng Trống hiện nay), phố Paul Bert (từ Nhà hát Lớn đến hết phố Hàng Khay hiện nay). Xưởng đúc Tràng Tiền bỏ hoang. Song đường Tràng Tiền là con đường chính để quân lính Pháp đi từ Hoàng thành (nơi lính Pháp đóng quân) về Đồn Thủy (Bệnh viện 108 hiện nay) ngày càng trở nên quan trọng, vì thế đám sĩ quan Pháp về hưu có tiền, thương nhân từ Pháp qua đến đây mua đất của xưởng đúc Tràng Tiền. Đất trên trục đường đắt như vàng và lên giá vùn vụt. Đến năm 1885, khu vực này có một quán giải khát có ga, một tiệm bánh mì, một cửa hàng kim khí, một cửa hàng bán văn phòng phẩm. Lúc này tại Hà Nội không kể binh lính thì số người Pháp qua đây kinh doanh, sinh sống đã lên đến 1.500 người.
Godard là tòa nhà hai tầng, tầng dưới cao 6m, tầng trên 5m. Diện tích mặt bằng xấp xỉ 4.500m2. Sàn tầng một lát đá thấm thủy khổ lớn để hạn chế nước vào ngày nồm. Trần trát vôi rơm, sàn tầng hai bằng gỗ lim. Mái bằng khung thép uốn thành vòm, dưới vòm cũng trát vôi rơm, trên lợp bằng miếng tôn nhỏ hình chữ nhật. Xung quanh là cửa kính để lấy ánh sáng. Từ tầng một lên tầng hai có bốn cầu thang bậc gỗ, lan can bằng thép có hoa văn và trụ cầu thang bằng đồng đúc. Godard có ba mặt phố, phía bắc là Tràng Tiền, phía nam là Hai Bà Trưng và phía tây là Hàng Bài. Ba cửa chính ra vào có dòng chữ tiếng Pháp "không dựng xe ở đây" bằng đá trắng gắn chìm trên vỉa hè. Vỉa hè rất cao so với mặt đường để phòng ô tô có lao lên sẽ bị chặn lại, đảm bảo an toàn tính mạng cho người đi bộ. Vỉa hè bo bằng đá đen chôn sâu dưới đất hơn một mét để phòng ô tô đâm vào sẽ không đổ gãy.
Vì sao Godard không xây cao? Đơn giản vì chính quyền thời đó không cho phép các công trình quanh hồ Gươm xây quá cao, họ sợ hồ Gươm sẽ lọt thỏm trong các khối nhà và như thế làm mất vẻ đẹp thơ mộng của khu vực này. Nhưng tại sao dân số Hà Nội đầu thế kỷ XX chỉ hơn 10 vạn người ta lại xây Godard lớn như vậy?
Rue Paul Bert xưa bao gồm phố Tràng Tiền và Hàng Khay ngày nay. Hầu hết các ngôi nhà trên phố đều được chụp ảnh phát hành thành bưu thiếp. Trong bức ảnh toàn cảnh trên hãy chú ý đến cột đèn đường đứng giữa ngã tư và tấm biển hiệu của nhà thuốc Chassagne.
Nhà Godard đối diện với nhà thuốc Chassagne qua ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền. Cũng như đa phần các ngôi nhà sở hữu tư nhân nằm trên con phố thương mại này, theo thời gian, nhà Godard nhiều lần thay đổi dáng vẻ bên ngoài để phù hợp với hơi thở đời sống hiện đại (hợp mốt) hơn.
Thời gian đầu nhà Godard có phần mái măng xa (Mansard) với những ô cửa sổ ốc nhồi. Góc chụp này thu vào ống kính một phần của nhà thuôc Chassagne (cạnh phải) và nhà Lacaze (cạnh trái), cột đèn giữa ngã tư có treo biển phố (theo bức ảnh đầu entry có vẻ như biển phố được ghi bằng tiếng Pháp và tiếng Hán).
Tầu điện qua ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài. Các tài liêu ghi tuyến Bờ Hờ - Chợ Mơ được xây dựng năm 1906, tuy nhiên nhật ấn trên tấm bưu thiếp này là năm 1905. Ảnh chụp từ nhà Godard. Vẫn cây đèn đường mảnh mai đeo biển phố.
Loại cột đèn mảnh mai thời kì đầu được thay bằng loại vững chắc hơn. Nhà Godard đã đổi chủ: Dòng chữ Godard & Cie trên mặt tiền được thay bằng L'union commerciale indochinoise et africaine
So với những bức ảnh trước, trong khoảng 2 năm phố Tràng Tiền thay đổi rất nhiều. Cây xanh trồng lấy bóng mát bị chặt bỏ vì không phù hợp với hoạt động buôn bán tấp nập nơi đây. Mái hiên tầng 1 được rỡ bỏ. Phần mái của nhà Godard thay đổi hoàn toàn với các tháp đồng hồ 4 mặt đặt trên vòm mái mới xây trên mặt tiền tòa nhà. Từ đây tên gọi mới của nó là Grands Magasins Réunis, nhưng người dân vãn quen gọi là nhà Godard.
Đồng hồ trên tháp được che kín và những chiếc thang dựng bên tường cho biết tòa nhà đang trong thời gian tu sửa.
Góc chụp từ tháp Hòa Phong cùng thời điểm 2 bức trước. T rước nhà Lacaze thấy còn lấp ló cây xanh.
Toàn cảnh nhà Godard phía mặt phố Hàng Bài và Hai Bà Trưng. Đồng hồ trên tháp vẫn chưa được lắp, tuy nhiên hàng cột đỡ mái hiên làm sát ra mép vỉa hè.
Cận cảnh phía mặt phố Hàng Bài - Tràng Tiền
Toàn cảnh nhà Lacaze địa chỉ số 91 phố Paul Bert (Tràng Tiền) và 99 đại lộ Francis Garnier (Đinh Tiên Hoàng). Đây là cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Các tên gọi về sau cho thấy nó nhiều lần thay đổi chủ, và ngày nay là Nhà thông tin - triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng . Cũng giống nhà Godard, toàn bộ vỉa hè trước nhà được hàng hiên che kín.
Nhật ấn bưu điện 4.02.1914. Hoạt động buôn bán rất sầm uất.
Góc chụp, cũng như kim đồng hồ trên tháp cho biết ảnh được chụp cùng lúc với bức trước. Mớ dây điện chướng mắt được nhiếp ảnh gia dùng kĩ thuật xóa bỏ, bằng chứng của điều này là những vệt dây điện vẫn còn xót lại trên phần tường nhà Godard và phần mái nhà Lacaze.
Vài phút sau người chụp chuyển vị trí sang đại lộ Đồng Khánh (trước đó có tên là Franciss Gariner). Một bức tranh sinh động về các tầng lớp cư dân đô thị đương thời: Những người phu kéo xe tay, nững người lao động lam lũ áo rách đẩy xe bò, những người giữ nếp sống cũ cũ với áo dài thâm che ô hay lớp người tân thời trong những bộ âu phục màu trắng của các công chức hay thương gia.
Con phố thương mại này cũng là nơi diễn ra các hoạt động như lễ hội carnaval hay đua xe đạp. Cờ xí tung bay trên các tòa nhà làm tăng thêm không khí tươi vui của buổi sáng ngày hộ. Dòng lưu bút trên ảnh ghi ngày 30.09.1914.
Bức ảnh chụp vào buổi chiều (4:10), nắng chói chang
Vì tòa nhà phơi về hướng Tây, lại không có cây xanh che chắn, nên phải dùng các tấm bạt chống nắng. Thập niên này người ta sử dụng các cây cột đèn để treo affiche quảng cáo.
Ngã tư trước nhà Godard, hướng chụp về phía nhà bưu điện khuất trong cây xanh. Hàng hiên nhà Lacaze và cột đèn đường kế tiếp đánh dấu lối rẽ vào phố Đinh Lễ. Ảnh dưới được chụp từ hướng ngược lại.
Người Việt không được phép bước vào
Việc xây dựng nhà Godard là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn trước đó chỉ có các chợ truyền thống. Nếu trước kia chợ họp theo phiên và chỉ bán nông sản, đồ thủ công, lương thực... sản xuất tại Hà Nội hay các vùng lân cận hoặc bán một số mặt hàng từ các tỉnh phía nam Trung Quốc mang qua thì Godard bán đủ các loại hàng hóa tiêu dùng gồm: vải vóc các loại, quần áo, giày dép, nước hoa, giường nằm, ghế... đến bơ, pho mát, bánh mì, bia... nhập từ Pháp, Ấn Độ, Hồng Kông hay các nước thuộc địa của Pháp như Algérie, Maroc. Tuy nhiên, trong hàng chục năm đầu thế kỷ XX, khách đến Godard chủ yếu là lính, sĩ quan, công chức Pháp và vợ con họ cùng một số ít người Việt giàu có. Thậm chí thời kỳ đầu ngay cả những người Việt giàu có cũng không được phép bước chân vào. Phu kéo xe tay chờ khách cũng không được phép đỗ trên phố Tràng Tiền, Hai Bà Trưng hay Hàng Bài mà phải đỗ ở Hàng Khay, nếu thấy khách Tây vẫy mới kéo xe chạy lại
Năm 1909, nhà hàng này xảy ra cuộc đình công. Nguyên nhân là chủ nhà hàng kiểm tra thấy mất hàng hóa đã ra lệnh cho nhân viên bảo vệ người Ấn Độ hằng ngày lục soát từng người bất kể nam hay nữ. Sáng ngày 6.5.1909, không thấy một số thông ký đi làm, chủ nhà hàng đã thuê ngay người khác và chiều hôm đó cuộc đình công xảy ra để phản đối việc thay nhân viên không báo trước và lục lọi vô cớ.
Để làm mới, cứ hai hay ba năm, viên quản lý lại cho quét vôi tường trong và ngoài, sơn hết các khung cửa gỗ và cửa kính. Do thời gian sơn sửa, quét vôi rất lâu, có khi phải mất cả tháng nên người ta phải chọn phường sơn vôi giỏi để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Dân sơn, vôi làng Phương Liệt (nay là phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) bao giờ cũng là ứng cử viên đầu tiên và dĩ nhiên không thể ai khác ngoài cai Phảng, người có uy tín trong giới xây dựng thời đó. Khi sơn cửa, nước sơn của quân ông cai Phảng bao giờ cũng mịn hơn và không có vết bởi họ không dùng chổi lông nhập từ Pháp sang mà dùng nhánh cây đót bó lại. Còn khi họ quét vôi trần nhà Godard thì việc mua bán ở dưới vẫn diễn ra bình thường, vôi không rơi một giọt bởi họ có bí quyết khi lọc vôi, pha màu, đặc biệt là chọn cây đót để bó thành chổi. Nước vôi sánh nhưng không đặc nên bám tường và khi khô rất mịn.
Những năm 1920, khi các mặt hàng tơ lụa bán ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai... không còn đắt khách, nhiều chủ cửa hàng đã chuyển sang bán giầy Tây, âu phục, nước hoa... thì nhà Godard hết độc quyền và họ bắt đầu cho người Việt ra vào tự do...
Các bức ảnh chụp tổng thể tòa nhà không cho thấy được vẻ đẹp tinh tế của hàng hiên. Thời kì này tòa nhà Lacaze đối diện mang tên khách sạn Terninus. Trong ảnh thấy rõ hàng hiên trước khách sạn được sử dụng làm quán cafe .
Xe hơi xuất hiện trên phố.
Một lối sống hiện đại thể hiện qua kiểu dáng, mầu sắc trang phục của những người đi dạo. Ở góc hồ này có vị trí này có vực đài phun nước nhỏ. Các gánh hàng hoa họp chợ bên dưới các gốc cây.
Một tòa nhà hiện đại theo phong cách Art Deco với những lam bê tông chống nắng đã thay thế vào vị trí khách sạn Terninus . Bộ mặt khu vực thay đổi hoàn toàn.
Xe hơi đỗ đầy trên phố
Trong bức không ảnh này, d ưới cái nhìn ngày nay, vẻ đẹp cổ điển của nhà Godard hoàn toàn đánh bại vẻ tân kì của tòa nhà bên kia đường. Đ ầu phố Đinh Lễ có một khoảng đất trống, nơi sau này sẽ mọc lên tòa nhà ngày nay là bưu điện quốc tế.
Khách sạn Terninus giờ đây mang tên Taverne Royale (Tửu Quán Hoàng Gia), nơi khoảng giữa những năm 30 các nhạc sĩ thế hệ thứ nhất của Conservatoire Francais d'Extreme - Orientnhư Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Hiếu, Phạm Văn Nhường ... chơi nhạc tại một trong những phòng trà (café-concert) đầu tiên ở Việt Nam.
Nhật ấn bưu điện năm 1936. Trong xu thế tân kì hóa con phố thương mại này , để không lạc lõng với anh bạn bên cạnh, người ta đã tân trang vỏ ngoài tòa nhà Godard bằng cách cơi cao tường mặt tiền nhằm che đi vòm mái , thay thế tháp đồng hồ bằng loại hình vuông. Ba chữ cái GMR (Grands Magasins Reunis) xoắn xuýt được đắp lên mặt tiền tòa nhà.
Hàng cột chống xây bằng bê tông vững chãi hơn.
Thời vàng son của tòa nhà đă qua. Chiến tranh và những khó khăn kinh tế ghi dấu đậm nét trên dáng vẻ tòa nhà. Tòa nhà hình như thay đổi chủ. Phía trên 3 chữ GMR người ta đề thêm chữ ANCIENS với ngụ ý nhắc nhớ thương hiệu cũ của nó là Grands Magasins Reunis
Cờ Pháp và cờ quốc gia dật dờ trên mặt tiền hoang phế của tòa nhà. Dấu vết tàn phá cho phỏng đoán ảnh chụp vào thời kì Pháp tái chiếm Hà Nội
Không thấy xe tay, thay vào đó là sự xuất hiện của xích lô, loại phương tiện phát triển cực thinh vào thời kì tạm chiếm. Năm 1950, lo sợ thất bại của thực dân Pháp ở Việt Nam, chủ nhà hàng Godard đã chia lô bán cho thương nhân Việt. Nhà Godard trông đìu hiu trong cái yên lặng dông bão của Hà Nội
Đường phố thưa vắng. Viên cảnh sát điều khiển giao thông đứng nhàn nhã.
Tiếp nối không gian của bức ảnh trước. Đầu phố Đinh Lễ đã xuất hiện một tòa nhà mới của bưu điện thành phố . Bưu ảnh này cùng loại với tấm trước, chúng được các hiệu ảnh tự sản xuất, phát hành với kiểu chú thích viết tay.
Xe nhà binh thay thế cho những chiếc limousine sang trọng
Không khí hoảng hốt trước ngày Việt Minh vào tiếp quản Hà Nội. Với tâm trạng của kẻ ra đi, người phụ nữ Pháp này cố ghi vào trí nhớ những hình ảnh thân thuộc của thành phố ngày mai sẽ trở thành quá khứ. Ảnh trích từ loạt ảnh Last Days of Hanoi của Howard Sochurek.
Và thực sự nó đã trở thành một phần kí ức khó phai trong kí ức những người ra đi. Một trong loạt bưu thiếp "Trông vời Bắc Việt" phát hành sau hiệp định Geneve.
Năm 1958, chính quyền thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, 49 quầy hàng trong Godard được dọn hết, dù trước đó, đầu thập niên 50 họ mua lại của chủ Godard. Tháng 9-1959, Godard được đổi tên thành Bách hóa Tổng hợp.
Hình ảnh Bách hoá tổng hợp thời bao cấp. Cho đến thời điểm trước khi phá bỏ vẫn còn thấy lấp ló sau bức tường mặt tiền những vòm mái được xây dựng trong thập kỉ đầu tiên của thế kỉ trước.
Cửa hàng bách hóa anh em nhà Debeaux, ngày nay là Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, ảnh chụpkhoảng cuối thế kỉ XIX. Lô đất trống bên cạnh ngày nay là dãy cửa hàng sách và văn hóa phẩm 51- 53 - 55 Tràng Tiền. Ngôi nhà ở sân sau cửa hàng là vị trí khách sạn Artist Hanoi ngày nay.Ngõ 49 Tràng Tiền dẫn vào khu vực này.
Sang những năm đầu của thế kỉ XX, con phố này thay đổi rất nhanh. Post lại bức ảnh ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài với nhà Godard ở bên trái để dõi theo những thay đổi trên đoạn phố này
Một khối nhà hai tầng mọc trên lô đất trống, đó là các số nhà 51 - 53 - 55 ngày nay. Cửa hàng Debeaux được xây mới, phảng phất dáng dấp xưa.
Ảnh cùng mã số 3030, hướng chụp về đầu phố, nơi Nhà hát lớn đang được xây. Trên mặt tiền tòa nhà, bên dưới khối tam giác thấy rõ dòng chữ MAGASINS GENERAUX (Bách hóa tổng hợp) và DEBEAUX FRERES (Anh em nhà Debeaux)
Không lâu sau, Nhà hát lớn đang hoàn thiện phần mái, phố xá thay đổi nhiều. Không còn cây xanh. Cột và đèn đường trên phố chuyển dùng loại khác. Bức tường hồi ngôi nhà đầu phố Nguyễn Xí dán đầy các affiches. Chưa thấy Cinema Palace. Mặt tiền bách hóa Debeau x có thay đổi nhỏ với hai ban công chìa ra phố, biển quảng cáo đồng hồ Omega treo trên cửa chính ra vào.
Ở góc chụp này thấy rõ ngõ 49 Tràng Tiền. Đối diện với nó, phía bên kia đường là một hiệu thuốc tây với dòng chữ PHARMACIE CENTRALE ... trên bờ mái. Ngôi nhà này ngày nay là dẫy cửa hàng kính thuốc Tràng Tiền.
Thoạt nhìn có cảm tưởng ảnh được chụp cùng thời điểm với ảnh trước, tuy nhiên nếu đê ý sẽ thây phần mái của Nhà hát lớn lúc này lợp gần xong.
Đồng hồ trên mặt tiền hiệu thuốc, độ mở của các cánh cửa sổ, và mã số cho biết ảnh được chụp cùng lúc với bức trước. Ống kính lệch đi cho thấy tuy trong một khối nhà nhưng các số 51 - 53 - 55 treo những biển hiệu khác nhau.
Trực diện Bách hóa Debeaux nhìn từ phố Nguyễn Xí. Trong số các mặt hàng trưng trong các ô cửa có xe đạp đến từ Saint Etienne.
Cũng góc chup từ phố Nguyễn Xí, hướng về phía Bờ Hồ. Nhà Godard đã thay đổi hình dáng. Ảnh ghi chú Universite (trường Đại học). Đối chiếu các tài liệu ta biết được ảnh chụp khoảng năm 1918, khi tòa nhà này được sử dụng làm cơ sở của Viện Đại học Đông Dương, chuyên nghành Sư phạm và Luật (Université indochinoise) . Viện Đại học Đông Dương là nơi tướng Giáp nhận bằng cử nhân luật (Licence en Droit), kinh tế chính trị (économie politique) và lịch sử (histoire).
Crop bức ảnh hiệu thuốc trung tâm. Ba quả chuông nhỏ trên nóc nhà dùng vào việc gì?
Địa chỉ cũ của hiệu thuốc là 54 Paul Bert
Chùm chuông đã có từ khi tòa nhà này là Phòng thông tin du lịch Bắc Bộ ( Le Comptoir Français du Tonkin) . Ảnh lấy từ loạt ảnh Le Tonkin en 1900 của Dubois chụp cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
Thập niên 20, khi rạp Palace được xây dựng, hiệu thuốc trung tâm vẫn mang dáng cũ.
Thời kì Pháp tạm chiếm Hà Nội, nó được sửa sang theo xu hướng hiện đại
Cái lỗ hổng hình tròn trên bờ mái dãy cửa hàng kính thuốc ngày nay có gợi nhớ đến chiếc đồng hồ lắp tại đó hơn 100 năm về trước.
PHẦN III: RẠP CHIẾU PHIM PALACE & HIỆU SÁCH PACIFIC
Nếu hiểu điện ảnh là chớp bóng hay chiếu xi-nê-ma (ciméma), muốn tìm cái nơi đầu tiên tổ chức loại giải trí mới mẻ do anh em nhà Lumière phát minh, không thể không nói đến những gì diễn ra tại Khách sạn Métropole (ngày nay vẫn giữ được tên gốc, cộng thêm thương hiệu “Sofitel”).
Tại đây, đã lặp lại cái công thức điện ảnh ra mắt tại Paris bắt đầu bằng những buổi chiếu phim tại Hotel Grand Café rồi dần dần mới ra rạp chuyên cinéma.
Lật lại chồng báo cũ, tờ “Trung Bắc Tân văn” xuất bản ở Hà Nội hồi đầu thế kỷ XX, người ta thấy quảng cáo cho buổi chớp bóng đầu tiên cũng tại một “Grand Café” nhưng rất nhỏ bé, tại cái khách sạn được coi là sớm nhất và sang trọng nhất của Hà Nội, nằm giữa không gian được coi là Tây nhất trong cái “nhượng địa” của Tây này.
Bộ phim đầu tiên có tên là “Thần Cọp” và được trình chiếu vào 8/1920. Đương nhiên khi đó còn là phim câm nhưng người tổ chức đã làm theo cách bên chính quốc là mời dàn nhạc đệm, chỉ có điều ở đây lúc đầu là một gánh bát âm hoàn toàn bản xứ. Nội dung của phim được đăng trước trên báo thành từng phân cảnh và người đến xem sẽ nhận được một tờ chương trình (programe) tóm tắt nội dung.
Về sau, khi nhu cầu xem cinéma dần đông, nội dung phim ngày càng phong phú, chỗ chiếu phim chuyển sang bên kia đường nay là phố Nguyễn Xí. Ở đó, có một cái cổng nhỏ đi vào một rạp chiếu phim lấy tên là Palace. Chỉ mới đây, khi toà nhà này chưa bị phá, người ta còn đọc được cái tên rạp ấy ở phía trên bức tường.
Tuy nhiên, phòng chiếu phim này rộng xuyên sang cả phía đường Paul Bert (nay là Tràng Tiền) nổi tiếng đô hội, là nơi sinh hoạt của người Âu và của những người bản xứ giàu có muốn học đòi Tây. Chẳng bao lâu, “Cinéma Palace” trở nên rạp chiếu phim sang trọng nhất Hà Nội trên đường Paul Bert.
Nó có một mặt tiền (facade) thật đẹp tựa cái vỏ con sò cách điệu. Bạn đọc kỹ mấy tấm bích chương (affiches) dựng trước cửa rạp thì biết được rằng lúc này có một loại phim thời thượng xoay quanh một nhân vật hài hước người Tàu tên là Toufou, vào thời điểm chụp tấm ảnh này thì rạp đang chiếu tích “Toufou lấy vợ”...
Thời thực dân Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947-1954), rạp này đổi tên là “Eden”(Thiên đường). Người chủ mới không biết muốn tỏ ra khác trước hay vì trào lưu kiến trúc tân kỳ mà đem “bưng” cái mặt tiền khả ái này bằng những tấm gỗ dán vuông thành sắc cạnh để đến nỗi mọi người quên bẵng diện mạo kiến trúc ban đầu, ngay cả khi nó đã được đổi thành rạp chiếu bóng “Công nhân” rồi sàn diễn chuyên nghiệp của Đoàn kịch nói Hà Nội.
Cho đến ngày người ta quyết phá nó đi để xây một tòa kiến trúc mới, thì khi bóc cái vỏ gỗ dán, đã hiện ra cái vẻ đẹp ban đầu gây sốc cho nhiều người. Nhưng chủ đầu tư vội cho phá nhanh kẻo dư luận đòi giữ lại thì hỏng mất dự án đã được cấp tiền ngân sách...?
Một toà nhà mới theo lối thời thượng “đá rửa” do thợ từ miền Trung ra trình diễn đã được xây theo thiết kế hiện đại nhưng chẳng đẹp tí nào, tồn tại thêm gần hai thập kỷ và cũng chỉ để diễn kịch nói. Cho đến trước dịp Hà Nội ngàn năm tuổi (2009) nó lại được phá tận móng để xây mới, với cam kết rằng toà nhà mới sẽ trở lại những nét đẹp xưa trong một ngôn ngữ kiến trúc hiện đại. Chỉ có điều nó vẫn không thể trở lại một rạp cinéma thuần tuý như buổi ban đầu.
Dương Trung Quốc
Bức không ảnh chụp đường Hàng Bài và Hai Bà trưng. Toà nhà trong khung hình mầu đỏ trên phố Tràng Tiền (Rue Paul Bert) chính là rạp Palace.
Toà nhà trong khung hình mầu đỏ trên phố Tràng Tiền (Rue Paul Bert) ở bức ảnh trên chính là rạp Palace. Rạp khởi công xây dựng năm1917 và hoàn thành năm 1920, k iến trúc cổ điển, thuần túy châu Âu cân đối hài hòa về tỷ lệ.
Các số nhà bên cạnh ken sát vào rạp làm mất đi một phần vẻ đẹp kiến trúc ban đầu của rạp.
Hướng nhìn về Hồ Gươm. Hai tấm biển hiệu hình tam giác treo trên hàng hiên hai ngôi nhà bên cạnh có cùng kiểu dáng, thể hiện sự tôn trọng cảnh quan chung. Tòa nhà bên trái là một cửa hàng sách (libraire), văn phòng phẩm (papetrie)
Giai đoạn tạm chiếm (1947 -1954) rạp mang tên Eden. Cửa hàng sách bên canh mang tên Pacific. Vỏ ngoài của các tòa nhà này được sửa lại cho hiện đại hơn. Hầu như không ai biết dưới lớp vỏ bọc tân kì kia vẫn còn nguyên dáng vẻ ban đầu .
Thời kì rạp mang tên Công nhân, đại bản doanh của đoàn kịch Hà Nội (ảnh chụp tháng 7/2007 trên Flickr.com)
Rạp Công Nhân mới
Ngã tư đại lộ Henri Riviere (Ngô Quyền) và Paul Bert (Tràng Tiền). Khoảng năm 1900. Ngôi nhà hai tầng với hàng cột tròn trên tầng hai là Hotel et Café de la Paix (Khách sạn và café Hoà Bình). Thời điểm này hạ tầng khu phố đã được quy hoạch hoàn chỉnh: đường phố trải nhựa phẳng phiu với hệ thống cống ngầm thoát nước, vỉa hè kè bó gọn với những hàng cây mới trồng. Chắc rất thú vị khi ngồi đây thưởng thức cafe và cảm nhận nhịp sống xung quanh.
Phố Tràng Tiền đoạn trước Hotel et Cafe de la Paix
Ngày hội thể thao trên phố Tràng Tiền. Ảnh chụp vào thập niên 10 thế kỉ trước từ tầng hai ngôi nhà đầu ngã tư. Toàn bộ các ngôi nhà bên dãy số lẻ từ Hotel et Cafe de la Paix tới ngã tư Hàng Bài hiện lên rõ ràng trông khuôn hình. Hotel et Cafe de la Paix (ngày nay là hiệu kem Tràng Tiền, số nhà 35) chỉ cách cửa hàng bách hóa anh em Debeaux (ngày nay là Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền) hai ngôi nhà. Khỏang cách 5 số nhà ngày nay có thể là hậu quả của việc chia tách quyền sở hữu trong quá khứ.
Để tạo sự riêng tư về không gian sử dụng cho các phòng khách sạn người ta làm các vách ngăn trên hàng hiên ban công tầng hai.
Áo choàng mùa đông và khung cảnh đường phố làm ta nghĩ tới không khí xe lạnh ngày Tết
Cinema Palace làm đậm đặ thêm không khí châu Âu trên con phố này. Cafe de la Paiix thời kì này chắc phát đạt nhờ sự xuất hiện của rạp chiếu phim sang trọng này
Bước sang thập niên 50. Chiếc bưu ảnh này nằm trong một loạt các bưu ảnh mà một quân nhân Pháp gửi về nhà trong thời gian anh lưu trú tại Đông Dương.Tất cả đều được đánh số thứ tự và đề ngày tháng.
No. 205. Hà Nội, 08/09/50 Kỉ niệm từ thành phố Đông Dương, đây là phố Paul Bert nơi mỗi buổi sáng anh ngang qua khách sạn này. Gửi vợ yêu bé nhỏ những nụ hôn dịu ngọt nhất từ người chồng yêu thương cuộc sống này. Yêu em.
V: HIỆU THUỐC J. BLANC & TIỆM ẢNH CỦA PIERRE DIEULEFILS
Julien Blanc hành nghề dược tại Hà nội từ năm 1886. Ban đầu ông hợp tác với Noël Reynaud mở "Hiệu thuốc tây và thuốc nam" Reynaud - Blanc, phố Hàng Khảm, trước là cửa hàng tạp hoá Paris, sau đó làm ăn một mình từ tháng sáu 1887.
Pierre Dieulefils (1862 – 1937) là nhà sản xuất bưu ảnh nổi tiếng nhất tại Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Số lượng lớn nhất bưu ảnh của ông lên đến 5.000 bản. Nó giúp chúng ta khám phá mọi mặt đời sống thường ngày xứ Đông Dương trong giai đoạn 1885 và 1925.
Hình ảnh đoạn phố trên ngày nay
Nguyên thủy chỉ có hai ngôi nhà nằm xen giữa Hotel et Cafe de la Paix và Bách hóa anh em Debeaux.
Dấu vết của Hotel et Cafe de la Paix xưa sắp vĩnh viễn biến mất
Post lại ảnh entry trước. Hotel et Cafe de la Paix treo bạt che nắng. Một người đàn ông xách nước băng qua đường. Nhóm người di chuyển về phía góc phố. Hãy chú ý đến tấm biển hiệu treo trên cửa chính ngôi nhà đầu phố.
Đó là hiệu thuốc Jean Blanc ở góc đường Paul Bert (Tràng Tiền) và đại lộ Henri Riviere (Ngô Quyền). Hàng cây non mới trồng được đỡ bằng các thân tre. Chủ nhân hiệu thuốc có lẽ yêu thiên nhiên, ông cho đặt nhiều chậu cảnh trước nhà và trên hiên tầng hai. Bóng dáng các nhân viên người Việt trong hiệu thuốc phù hợp với mô tả nơi đây bán cả tân dược và đông dược (pharmacie française et indigène de l'Indochine)
Toàn cảnh ngã tư Tràng Tiền - Ngô Quyền nhìn từ sân thượng khách sạn Metropole. Thời kì này phổ biến loại biển hiệu bằng gỗ lắp nghiêng trên bờ mái. Bên kia đường là Khách sạn Gà Trống Vàng (Hotel du Coq), tiếp đến là tiệm ảnh của Pierre Dieulefils, băng qua đường là hiệu thuốc J. Blanc
Hiệu thuốc J. Blanc năm 1904 nhìn từ góc phố bên số chẵn. Cột điện đầu nhà được thay thế bằng loại thép góc tán đinh rivet. Chỗ nhóm các bà hàng rong nghỉ chân là vỉa hè trước Nhà xuất bảnF.H. Schneider ( Imprimerie Typo-Lithographique F.H. Schneider) nay là tòa nhà International Center
Đứng trước hiệu thuốc J. Blanc nhìn về đầu phố. Nhà hát lớn lúc này chưa xây. Loại đèn đường thuộc thời kì đầu. Góc chụp này giúp xác định ngôi nhà thứ tư trong bốn ngôi nhà góc phố -Khách sạn Hà Nội
Đối tượng mô tả là khách sạn Metropole, tuy vậy trong khuôn hình thấy đủ 4 ngôi nhà, lần lượttheo chiều kim đồng hồ là NXB Schneider, KS Hà Nội, hiệu thuôc J. Blanc và hiệu ảnh P.Dieulefils.
Bưu ảnh gửi từ Hà Nội 13 tháng năm 1905. Trước nhà không còn hàng cây. Dòng chữ biển hiệu: Enseigne de boutique:Maison fondée en 1886 J. BLANC Pharmacien de 1re classe (Nhà thuốc thành lập năm 1886 J. Blanc Dược sĩ hạng nhất). Chú thích ghi rõ địa chỉ hiệu thuốc 31 đường Paul Bert (ngày nay là 33 Tràng Tiền)
Cùng góc chụp với ảnh trước, thời gian muộn hơn. Cột đèn giữa ngã tư thay bằng loại khác. Tuyến phố Tràng Tiền không còn cây xanh. Bốn ngôi nhà phô bầy đường nét kiến trúc của mình. Hiên khách sạn Gà Trống Vàng kéo bạt chống nắng. Cơn bão ngày 7/06/1903 đã làm gãy đỏ hàng loạt cây xanh phía trướckhách sạn Metropole
Hiệu thuốc J. Blanc và tiệm ảnh P. Dieulefils nhìn từ NXB Schneider. Phố Tràng Tiền không còn bóng cây. Dãy số lẻ có thể phân biệt rõ từng ngôi nhà: hiệu thuôc J. Blanc, Hotel et Cafe de la Paix (vói dãy bàn ghế kê trên hè), bách hóa anh em nhà Debeaux, và nhà Godard.
Ảnh crop thấy rõ hơn phía bức tường hồi tiệm ảnh P. Dieulefils, dưới chân cột điện, có một máy nước công cộng. P. Dieulefils mở thêm tiệm ảnh này năm 1905 bên cạnh địa chỉ ban đầu, đồng thời là nhà riêng của ông tại 53 Rue Jules Ferry (phố Hàng Trống và Lê Thái Tổ ngày nay). Vị trí tiệm ảnh này ngày nay là Phòng triển lãm tranh.
Khách sạn Metropole vẫn mang hình dáng cũ, trong khi kiến trúc của NXB Schneider thay đổi. Máy nước công cộng vẫn đó, thời kì này ta bắt gặp trên phố những chiếc xe bồn gỗ bò kéo chở nước. Trên nóc khách sạn Hotel du Coq thấy rõ hình dáng con gà trống vươn cổ gáy, vị trí này ngày nay là chi nhánh GP Bank.
Những năm 30 trào lưu kiến trúc theo phong cách Art Deco mở đầu bằng việc xây dựng lại khách sạn Terninus (ngày nay là nhà thông tin - triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng) lan ra khắp phố. Các ngôi nhà được xây lại hoặc sửa mặt tiền cho phù hợp xu thế chung. Khách sạn Hà Nội lúc này bị thu hẹp lại, phần diện tích ở góc phố mọc lên Ngân hàng Pháp – Hoa. NXB Schneider chuyển đổi thành hiệu sách MAG CHAF.
Ngã tư Tràng Tiền – Ngô Quyền những năm 50. Bìa trái ảnh là một phần Cinema Palace (thời kì này là rạp Eden) với những khối vuông và ô tròn trên mặt tiền. Tầng một các ngôi nhà Hotel et Café de la Paix, hiệu thuốc J. Blanc có sửa sang cho hiện đại hơn, nhưng vẫn giữ dáng dấp ban đầu. Ngôi nhà trước đây là tiệm ảnh của P. Dieulefils không rõ kinh doanh gì bởi sau năm 1913 P. Dieulefils trở về Pháp, giao tiệm ảnh này cho người khác quản lý. Tuy về sau, ông có quay lại Đông Dương để sáng tác, nhưng chủ yếu sống tại quê nhà Malestroit và mất vào năm 1937.
Mép trái bức ảnh thấy rõ trên hàng hiên ngôi nhà trước đây là tiệm ảnh Pierre Dieulefils có biểu tượng Gà Trống Vàng, hình như KS thôn tính tiệm ảnh xưa đeer mở rộng ra sát phố Tràng Tiền? Cửa sổ tầng một hiệu thuốc J. Blanc bị bít đi, nhưng cấu trúc gỗ tầng hai vẫn nguyên vẹn như ban đầu. Nhìn về phía Nhà hát lớn thấy rõ tấm biển Hanoi Hotel (sau 1954 đổi thành KS Dân Chủ)
Ngày nay hiệu thuốc J. Blanc xưa là tiệm may Veston Bình Minh, phần đầu hồi quay sang phố Ngô Quyền là ATM Vietin Bank
Và tiệm ảnh của nhà sản xuất bưu ảnh lớn nhất thời Pháp Pierre Dieulefils ngày nay là Triển lãm mỹ thuật, số nhà 36 Tràng Tiền (số cũ là 44 Paul Bert như thấy in trên mép trái bức bưu ảnh dưới)
Tổng hợp bởi Blog Kiến trúc sư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét