Empire State, tòa nhà “đế chế” của nước Mỹ, từ lâu đã không còn là tòa nhà cao nhất thế giới, tuy vậy giá trị lịch sử của nó là không gì thay thế nổi. Tòa nhà Empire State - một biểu tượng vĩ đại trong nền kiến trúc Mỹ.
Tòa nhà Empire State – biểu tượng của kiến trúc cổ điển Mỹ, một trong những kỳ quan của thế giới hiện đại được Hiệp hội Kỹ sư dân dụng Hoa Kỳ bình chọn.
Trong hơn 80 năm qua, có vị khách nước ngoài nào đặt chân tới New York mà không háo hức chiêm ngưỡng công trình kiến trúc ấn tượng nhất của thành phố - tòa nhà hình bút chì Empire State?
Công trình này đã trở thành điểm nhấn quan trọng của thành phố trong những ngày lễ lớn. Vào những dịp đó, mỗi khi đêm xuống, tòa nhà sẽ được chăng đầy đèn màu. Vào những ngày nhiều mây, tòa nhà lại lẩn khuất, lúc ẩn lúc hiện trong những miếng xốp bồng bềnh.
Những khi trời nổi cơn sấm sét, tòa nhà oai vệ nhưng vẫn vô cùng thanh nhã này khiến người ta cảm thấy ngưỡng mộ, thậm chí sùng kính bởi khả năng của con người đã vươn tới những tầm cao bất chấp sự đe dọa của thiên nhiên.
Công trình bắt đầu triển khai từ ngày 22/1/1930, cần tới 3.400 nhân công xây dựng. Tổng thống Herbert Hoover đã cắt băng khai trương tòa nhà.
Tòa nhà cao 443m này thực tế chỉ là một tòa nhà cao ốc văn phòng bình thường, trong nhiều thập kỷ, 102 tầng lầu ở đây thậm chí còn ở trong tình trạng tồi tàn. Nó đã có một khởi đầu khá đen đủi. Được khai trương vào ngày 1/5/1931 bởi Tổng thống Herbert Hoover, “tòa nhà cao nhất thế giới” khi đó gặp ngay cơn Đại Suy thoái.
Một năm sau, chỉ có khoảng ¼ số tầng lầu có công ty đến thuê làm trụ sở văn phòng. Cho tới tận thập niên 1950, nó vẫn bị những người ưa hài hước, châm biếm ở New York gọi là tòa nhà “Empty State” (tòa nhà trống không), một cách chơi chữ đầy nhạo báng đối với cái tên oai vệ của nó - “Empire State” (tòa nhà đế chế).
Quả thực, người New York đã từng thất vọng bởi tòa nhà đồ sộ tốn bao tiền của, công sức và được đặt bao kỳ vọng này đã không thể đem lại cho thành phố một diện mạo mới.
Công trình hoàn thành vào năm 1931, giữ danh hiệu “tòa nhà cao nhất thế giới” trong suốt 41 năm.
Tệ hơn nữa, ngày 28/7/1945, một chiếc máy bay quân sự bay qua một đám sương mù dày đặc đã đâm vào tòa nhà ở tầng thứ 79-80 khiến 14 người thiệt mạng. Ngày nay, tòa nhà Empire State đã trở thành nơi làm việc của hơn 1.000 doanh nghiệp, liên tục được cải tiến, nâng cấp, trở thành một trong những tòa nhà văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường nhất thế giới.
Tòa nhà từng được nhà tài phiệt John J. Raskob đặt hàng với kiến trúc sư William Lamb. Khi đó, công ty đối thủ của General Motors là công ty Chrysler vừa mới xây dựng xong tòa nhà chọc trời Art Deco cao 319m. Tham vọng xây tòa nhà Empire State của nhà tài phiệt Raskob ban đầu là để chứng tỏ mình siêu việt hơn đối thủ - doanh nhân Walter Chrysler.
Tòa nhà 102 tầng cao 443m, được xây dựng trong 410 ngày.
Raskob từng hỏi kiến trúc sư William Lamb: “Này Bill, anh có thể xây một tòa nhà cao tối đa bao nhiêu mét, miễn là để nó không sụp xuống?” Câu trả lời đương nhiên phải là một con số cao hơn tòa nhà của công ty Chrysler.
Dựa trên thiết kế của tòa nhà Reynolds cao 96m mà William Lamb từng thiết kế ở bang North Carolina, vị kiến trúc sư đã đưa ra một bản vẽ hoàn chỉnh cho tòa nhà Empire State chỉ trong vòng nửa tháng chuẩn bị.
Tòa nhà khai trương đúng vào thời kỳ Đại Suy thoái, trong suốt nhiều năm, ¾ tòa nhà bị bỏ không, chẳng có ai thuê.
Tòa nhà Empire State được xây dựng với tốc độ chóng mặt. Nó được khởi công vào ngày lễ thánh Patrick, 17/2/1930. Trên công trường luôn có 3.400 công nhân lao động mỗi ngày. Tòa nhà được xây dựng hoàn tất trong tổng cộng 410 ngày, sớm hơn dự định 3 tháng và tiêu tốn 40,9 triệu đô la (mệnh giá năm 1930). Empire State có 58 thang máy với tốc độ kỷ lục - 366m/phút. Tòa nhà có hai đài quan sát đặt ở tầng 86 và 102.
Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư William Lamb với mục đích vượt qua kỷ lục chiều cao của tòa nhà Chrysler (319m).
Đối với sự nổi tiếng của tòa nhà Empire State, không ai có thể nghi ngờ gì nó là một trong những biểu tượng nổi bật của thành phố New York dù từ năm 1972, nó đã mất danh hiệu là tòa nhà cao nhất thế giới.
Ngày nay, các cường quốc trên thế giới chạy đua để lập kỷ lục trên trời với những tòa nhà cao ốc liên tục thay nhau xác lập kỷ lục mới, tòa nhà Empire State chỉ còn đứng thứ 22 trong danh sách những tòa nhà cao nhất.
Ngày nay, thế giới đã có cả ngàn tòa nhà chọc trời nhưng Empire State vẫn được coi là mẹ đẻ của những công trình ra đời sau nó, thể hiện ước mơ vươn tới những tầm cao vĩ đại của trí tuệ loài người.
Vào ngày 28/7/1945, một chiếc máy bay quân sự bay qua đám sương mù đã đâm vào tầng 79-80 của tòa nhà khiến 14 người thiệt mạng.
Hãy tưởng tượng nếu có một ngôi đền dành để tôn vinh những tòa nhà chọc trời thì Empire State chắc chắn sẽ có một vị trí trong đó. Những tòa nhà hiện đại hơn có thể cạnh tranh với Empire State ở nhiều mặt nhưng chưa có tòa nhà nào có thể vượt mặt Empire State ở hai tiêu chí: kỳ quan kiến trúc được thiết kế một cách đơn giản và công trình mang tầm ảnh hưởng thế giới.
Ánh sáng đèn màu được trang trí cho tòa nhà từ năm 1964. Vào những ngày lễ quan trọng, Empire State sẽ được trang trí lung linh để tạo điểm nhấn cho thành phố.
Tòa nhà đã xuất hiện trong rất nhiều bộ phim của Hollywood, chẳng hạn như “King Kong”, “An Affair to Remember” hay “Sleepless in Seattle”.
Sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, tòa nhà Empire State từng một thời gian trở lại là tòa nhà cao nhất thành phố New York. Trong thời gian cả nước Mỹ khủng hoảng, đèn của tòa nhà chỉ gồm 3 màu: đỏ - trắng - xanh, tượng trưng cho quốc kỳ Mỹ.
Pi Uy
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét